Có mặt cho gia đình – Nuôi dưỡng sự hiện diện

Các gia đình hiện đại đang ngày càng mất kết nối – chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho chiếc điện thoại và những mối bận tâm riêng thay vì trò chuyện, quan tâm và thực sự “có mặt” cho nhau.

Và sự mất kết nối ấy đã góp phần tạo nên hay làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, khúc mắc và sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình.

Vậy, làm thế nào để mang sự hiện diện trở lại cuộc sống gia đình?

Mời mình cùng tham khảo ba bước để củng cố các mối quan hệ, cải thiện sức khỏe thân tâm và mang các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn của hai nhà tâm lý học Stefanie và Elisha Goldstein.

(Mình có thể đọc bài viết gốc “Raising the Mindful Family” tại đây.)

1. Nuôi dưỡng sự hiện diện trong chính mình

Nhiều năm về trước, chúng tôi được mời tới buổi trò chuyện với bác sĩ nhi khoa và tác giả nổi tiếng Berry Brazelton. Vô số câu hỏi “làm thế nào” liên quan đến vấn đề nuôi dạy con đã được đặt ra – chúng đến từ các bậc phụ huynh lẫn giới chuyên gia. Cuối buổi trò chuyện, Brazelton nói: “Các bạn biết không, rất có thể cả lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng về sự phát triển của trẻ nhỏ và phương thức nuôi dạy con đã không thực sự giúp ích cho các bậc phụ huynh. Chúng truyền đi thông điệp rằng phụ huynh cần phải tìm đến các chuyên gia để có câu trả lời, trong khi trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời vốn đã nằm trong chính họ.”

Chúng tôi tin rằng nhìn vào bên trong chính là bước đầu tiên để xây dựng một gia đình tỉnh thức và giàu sự hiện diện – đó là khi chúng ta học cách dừng lại, lắng nghe những thông điệp từ sâu bên trong mình và tin tưởng vào tri giác của bản thân. Thói quen tìm những khoảng không trong ngày để chậm lại một nhịp, hít thở sâu và cảm nhận những gì đang diễn ra bên trong mình sẽ giúp tâm trí ta học cách mở rộng góc nhìn giữa bộn bề cảm xúc và nhìn thấy rõ ràng hơn những gì chính mình và mọi người xung quanh đang cần.

Xây dựng gia đình là một công việc không hề dễ dàng. Chúng ta thường phải đối mặt với tác động từ nhiều phía và mỗi khi bị quá tải, não bộ sẽ hoạt động theo chế độ mặc định. Chúng sẽ tìm về những ký ức cảm xúc tuổi thơ để nhanh chóng quyết định cách phản ứng với con cái hay bạn đời. Khi cảm xúc ổn định, ta có thể dịu lại để nhìn rộng ra và cân nhắc cách phản ứng phù hợp. Nhưng khi cuộc sống trở nên căng thẳng và rối ren, ta rất dễ rơi vào lối mòn của những hành vi tiêu cực, áp đặt học được từ cha mẹ – dù ta đã thề sẽ không để nó lặp lại trong chính gia đình mình. Và giờ đây, ta cảm thấy thật tồi tệ và xấu hổ. Ta dán lên mình chiếc nhãn của một “người cha/mẹ tồi tệ” và “không đủ tốt cho con”. Học cách chậm lại một phút nhiều lần trong ngày sẽ giúp bạn nhận ra những “lối mòn” trên và cho bạn cái nhìn thấu suốt hơn về cách tái kết nối với bản thân, bạn đời (nếu có) và con trẻ.

Là phụ huynh, chúng ta đều không hoàn hảo. Chúng tôi nhận ra một trong những bài thực hành quan trọng trong việc mang sự hiện diện vào gia đình là hãy yêu thương bản thân thật nhiều những lúc căng thẳng nhất – ý thức mình đang gặp khó khăn và cố gắng nâng đỡ chính mình với thật nhiều yêu thương và sự tử tế.

Thực hành: Chú tâm và Tự thương

Khi nhận thấy mình đang căng thẳng, hãy nhìn nhận khó khăn bằng cách nói: “Mọi việc đang rất khó khăn.” và tự hỏi bản thân: “Tôi đang cần điều gì?”

Nhìn nhận và tự vấn sẽ giúp bạn khai phá sự thông thái ẩn sâu bên trong và xây dựng niềm tin vào chính mình. Có thể bạn nhận ra mình cần kiên nhẫn hơn hay được giải thoát khỏi sự căng thẳng hiện tại. Hãy thử đặt tay lên tim mình, xoa dịu nó và nói, “Mong cho tôi sẽ được bình yên, thêm kiên nhẫn và được giải thoát khỏi sự căng thẳng này.”

Nếu muốn, bạn có thể đi sâu hơn bằng cách nghĩ tới tất cả các bậc phụ huynh đang trải qua khó khăn và chúc họ điều tương tự. Chúng ta đều kết nối trên hành trình không hoàn hảo của việc làm cha mẹ. Nhận thức được điều ấy sẽ giúp ta trút bỏ gánh nặng của việc tự dằn vặt, phán xét bản thân, cảm thấy được kết nối và giải phóng tâm trí cho những thứ thật sự quan trọng.

2. Nuôi dưỡng sự hiện diện trong mối quan hệ

Như rất nhiều cặp phụ huynh khác, chúng ta đều trải qua những giai đoạn mà sự kết nối giữa hai người vừa thiếu thốn, vừa hời hợt. Những lúc ấy, chúng ta thấy khó chịu, bồn chồn và khát khao kết nối. Thế nhưng, thay vì tìm đến người kia, chúng ta lại tìm cách làm tê liệt cảm xúc này bằng những thứ gây xao nhãng như tivi, công việc hay một ly rượu – chẳng thứ nào có thể giải tỏa khao khát được kết nối và yêu thương. Dù bạn đang trong một mối quan hệ, vừa chia tay hay đang tìm kiếm nửa kia thì việc đặt mục tiêu nuôi dưỡng những mối quan hệ yêu thương trong đời sẽ có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn.

Một mối quan hệ là một thực thể, gần giống như một con người. Cũng như chúng ta, nó cần sự quan tâm và dưỡng nuôi. Vậy làm thế nào để cho mối quan hệ sự quan tâm mà nó cần?

Nhà nghiên cứu và tác giả sách Barbara Fredrickson định nghĩa: “Tình yêu mà cơ thể bạn đương trải nghiệm là một khoảnh khắc của sự kết nối được chia sẻ với một người khác.”

Mỗi ngày trao cho chúng ta vô số cơ hội để tạo ra và chia sẻ những khoảnh khắc kết nối với người khác, tuy nhiên, chúng ta thường rơi vào cái bẫy của việc lơ là và chỉ nhìn người thương như một đồ vật bất di bất dịch. Chúng ta bỏ qua cơ hội nhìn họ như một con người với đầy đủ những điểm mạnh, vẻ đẹp, niềm vui và thành công cũng như sự thất bại và niềm đau. Khi thực sự nhìn thấy họ, ta sẽ cảm nhận được những kết nối hết sức con người. Việc tạo ra những khoảnh khắc của sự kết nối có sức mạnh đẩy lùi sự mất kết nối thường chực chờ len lỏi vào giữa các mối quan hệ và góp phần bảo vệ tình yêu. Thực tế, những khoảnh khắc ấy chính là tình yêu.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, khi trải nghiệm khoảnh khắc kết nối, chúng ta không dễ bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng trong cuộc sống. Vì thế, những thói quen tiêu cực sẽ không bị kích hoạt thường xuyên và chúng ta sẽ trở thành một con người, một người bạn đời và một người bố/mẹ hạnh phúc và kiên cường hơn. Tình yêu là một nguồn năng lượng bất tận và nó có thể được tìm thấy trong những khoảnh khắc nhỏ bé nhất.

Thực hành: Kiến tạo khoảnh khắc của sự hiện diện

Hãy tạo ra ít nhất một khoảnh khắc của sự kết nối trong tuần này, cả bằng lời nói lẫn hành động. Nếu bạn cảm thấy sự phán xét hay lo sợ trỗi dậy, hãy đơn thuần nhận biết chúng và kiên định với mục tiêu của mình. Hãy để ý cảm xúc của bạn khi nắm tay hay vuốt má đối phương. Hãy kéo dài cái ôm cho đến khi bạn và người thương cảm thấy thư giãn. Cố gắng chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơn mỗi khoảnh khắc bên nhau.

3. Nuôi dưỡng sự hiện diện trong trẻ (và cha mẹ)

Trẻ nhỏ luôn “có mặt” trong hiện tại và chú tâm vào mỗi trải nghiệm vì thế chúng thường không cần hỗ trợ kết nối với từng khoảnh khắc. Thế nhưng, càng lớn, các mối quan hệ xã hội phức tạp cùng áp lực trường lớp và các tác nhân gây xao nhãng như công nghệ sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường nhật của chúng. Cũng như chúng ta, chúng cần hỗ trợ để quay về với chính bản thân mình với sự tỉnh thức và thật nhiều yêu thương. Điều mà chúng học được từ cha mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trui rèn khả năng này.

Rất khó để tách bạch việc nuôi dưỡng một đứa trẻ và một bậc cha mẹ luôn-hiện-diện, vì chúng ta thường dạy trẻ chú tâm hay vô tâm một cách vô thức. Chúng ta thường tập trung dạy con phải trở thành một người lớn có trách nhiệm và giàu lòng trắc ẩn mà quên rằng chúng học được nhiều nhất từ việc quan sát cách chúng ta sống.

Nếu bạn dán mắt vào điện thoại trong lúc trò chuyện với con, bạn đang dạy chúng rằng việc chú tâm lắng nghe là không cần thiết. Nếu bạn căng thẳng và gắt gỏng với chiếc xe vừa cắt ngang xe bạn, bạn đang dạy chúng rằng bộc lộ sự giận dữ là một cách đáp trả phù hợp khi cảm thấy bị xem nhẹ.

Ngược lại, khi bạn dừng lại để giúp người khác nhặt đồ vừa đánh rơi, bạn đang dạy chúng quan tâm đến mọi người – gốc rễ của lòng trắc ẩn. Khi bạn sẵn sàng mở lòng trò chuyện với con về cảm xúc của cả hai và tưới tắm cho chính mình tình yêu thương và sự tử tế những lúc khó khăn, bạn đang gieo cho con hạt mầm của trí tuệ cảm xúc và lòng tự thương. Khi bạn trở lại mạnh mẽ sau một sai sót thay vì chìm trong hổ thẹn, bạn đang là hình mẫu của sự kiên cường.

Có rất nhiều cách để bạn dạy con về sự chú tâm và hiện diện. Hãy bắt đầu bằng việc giúp trẻ hiện diện với cảm xúc của mình. Ngay cả khi trẻ chỉ mới hai tuổi, bạn có thể giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc và khả năng tự soi xét bằng cách giúp con nhận biết và gọi tên cảm xúc vui, buồn cũng như nơi con cảm thấy cảm xúc đó mạnh mẽ nhất trên cơ thể.

Thực hành: Bạn Cùng Thở

Đây là một bài tập chú tâm thường được áp dụng cho trẻ nhỏ và thiếu niên. Cả gia đình có thể cùng nhau thực hiện hoạt động đơn giản này tại nhà.

Đầu tiên, hãy chuẩn bị một con thú nhồi bông nhỏ cho trẻ và một viên đá cuội cho các bạn ở tuổi thiếu niên. Đây sẽ là “người bạn cùng thở” của con. Sau đó, mọi người sẽ cùng nằm xuống, đặt người bạn của mình lên bụng và khiến người bạn di chuyển lên xuống với mỗi hơi thở. Hãy khuyến khích mọi người thở chậm bằng cách đếm từ 1 đến 3 mỗi lần hít vào hay thở ra.

Trẻ có thể thực hành bài tập này để bình tâm lại mỗi khi căng thẳng, như trước một bài kiểm tra hay sau một trận cãi nhau to với bạn. Với trẻ nhỏ, ba mẹ có thể sáng tạo một câu chuyện đi kèm người bạn cùng thở để trẻ thêm hứng thú.

Kết

Những khoảnh khắc ý nghĩa nhất xảy ra khi chúng ta chậm lại một nhịp để hòa vào những điều bình dị trong cuộc sống. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng – cuộc sống luôn đầy ắp những thứ quan trọng khác – nhưng việc dừng lại để lấy lại bình tĩnh và nhìn mọi thứ một cách sáng suốt hơn sẽ giúp ích cho cả bạn, bạn đời và con trẻ.

Khi ta học cách biết ơn những điều tốt đẹp và khéo léo lèo lái những lúc khó khăn, ta đang trải nghiệm cuộc sống thực chứ không phải một phiên bản đầy xao nhãng và tự động. Hãy nhớ rằng, xây dựng một gia đình đầy ắp sự hiện diện bao gồm cả bạn, bạn đời và con trẻ là một quá trình: bạn sẽ không bao giờ hoàn hảo. Khi bạn xao nhãng mục đích ban đầu, hãy tha thứ cho bản thân. Trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ khám phá ra một điều vô cùng quan trọng: chúng ta luôn có thể bắt đầu lại một lần nữa.

Bình luận về bài viết này